Bệnh và điều trị

KẾT QUẢ SỬ DỤNG PHARSELENZYM TRÊN GÀ THẢ VƯỜN

Pharselenzym là sản phẩm chứa Selen do Tập đoàn thuốc thú y Việt nam sản xuất. Chế phẩm cho nhiều tác dụng trên nhiều đối tượng vật nuôi. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt kết quả đề tài: “Nghiên cứu sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ có bổ sung chế phẩm sinh học Pharselenzym chăn nuôi gà thả vườn tại Bắc Giang” do học viên cao học Giáp văn Nam thực hiện, dưới sự hướng dẫn của Ts. Phạm Thị Hiền Lương, giáo viên trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên.
– Vật liệu nghiên cứu: Các loại nguyên liệu làm thức ăn cho gà như: Ngô, cám gạo, sắn, đậu tương, thức ăn đậm đặc C20 và chế phẩm sinh học Pharselenzym.
– Đối tượng nghiên cứu: Gà Lương Phượng 1 ngày tuổi (mua tại Công ty Nông nghiệp Việt  – huyện Lục Nam – tỉnh Bắc Giang). Tổng số gà nghiên cứu là 300 con, nuôi từ 1 ngày tuổi đến 91 ngày tuổi.
– Ảnh hưởng của chế phẩm Pharselenzym đến sức đề kháng và khả năng sinh trưởng, phát triển của gà.
Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp phân lô so sánh. Cụ thể, chia làm 3 lô gồm lô đối chứng (ĐC), lô thí nghiệm 1 (TN1) cho gà ăn Pharselenzym với liều 1 g/15 kgP/ngày, lô thí nghiệm 2 (TN2) cho gà ăn Pharselenzym với liều 1 g/5 kgP/ngày. Mỗi lô 50 con, thí nghiệm lặp lại 2 lần. Kết quả thu được như sau:
3.3.1. Tỷ lệ nuôi sống của gà qua các tuần tuổi
Ở 0 – 1 tuần tuổi, tỷ lệ nuôi sống của lô ĐC là 96,00%, lô TN 1 và lô TN 2 lần lượt là 96,00% và 98,00%, đến tuần 13, tỷ lệ nuôi sống ở 3 lô: ĐC là 96,00%, lô TN1 là 96,00% và lô TN2 là 98,00%. Gà ở lô thí nghiệm khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, tiêu hoá tốt, tỷ lệ mắc bệnh cầu trùng thấp, các bệnh khác hầu như không xuất hiện. Với liều 1 g/5 kgP/ngày đã giảm đáng kể tỷ lệ chết ở gà con.
3.3.2. Ảnh hưởng của chế phẩm phar-selenzym đến khả năng kháng bệnh của gà thí nghiệm
Theo nhiều nghiên cứu thì selen có vai trò trong quá trình miễn dịch của cơ thể vật nuôi, nên ngoài việc theo dõi ảnh hưởng của selen (thành phần chính trong chế phẩm pharselenzym) đến khả năng sinh trưởng của gà thí nghiệm, chúng tôi còn theo dõi ảnh hưởng của selen đến sức kháng bệnh của gà thí nghiệm.
Gà thí nghiệm ở lô ĐC mắc cả 3 bệnh: Bạch lỵ, cầu trùng và bệnh bại liệt; Gà ở lô TN1 và TN2 chỉ mắc 2 bệnh: Bệnh cầu trùng và bệnh bạch lỵ. Tỷ lệ mắc bệnh ở các lô thí nghiệm có sự khác nhau, cụ thể:
Bệnh bạch lỵ: Ở lô TN1 và lô TN2 có số con và tỷ lệ con mắc thấp hơn lô ĐC. Số con mắc bệnh phân trắng ở lô ĐC là 19 con, chiếm tỷ lệ 19,79%. Trong khi đó, ở lô TN1 và TN2 được bổ sung chế phẩm pharselenzym, số con mắc ở cả 2 lô đều là 6 con, chiếm tỷ lệ 6,25% (TN1) và 6,12% (TN2).
Bệnh cầu trùng: Tương tự như bệnh bạch lỵ, số con mắc bệnh và tỷ lệ bệnh cầu trùng của lô ĐC cao hơn so với lô TN1 và TN2. Ở lô ĐC có 14 con mắc bệnh, chiếm 14,58%; Lô TN1 có 4 con mắc bệnh, chiếm 4,17%; và lô TN2 có 3 con mắc bệnh chiếm 3,06%.
Đối với bệnh bại liệt, tôi thấy chỉ có lô ĐC là bị mắc, tổng số con mắc là 2/96 con, chiếm tỷ lệ 2,08%. 2 lô TN1 và TN2 đều không bị mắc bệnh bại liệt.
Qua số liệu thu được về khả năng kháng bệnh của gà thí nghiệm cho thấy: số con mắc bệnh và tỷ lệ mắc bệnh của gà ở lô ĐC cao hơn so với lô TN1 và lô TN2. Vì vậy, việc bổ sung chế phẩm pharselenzym vào khẩu phần ăn cho gà Lương Phượng thương phẩm thịt là một biện pháp tích cực.
3.3.3. Khả năng sinh trưởng của gà thí nghiệm
3.3.3.1. Sinh trưởng tích luỹ

Đối với gia cầm nuôi thịt thì khối lượng cơ thể là chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng và được các nhà chăn nuôi luôn quan tâm, vì thông qua chỉ tiêu tăng khối lượng có thể đánh giá khả năng sinh trưởng và cho thịt của một giống, một dòng.
Sinh trưởng tích luỹ của gà thí nghiệm qua các tuần tuổi, ở tất cả các lô, đều tuân theo quy luật sinh trưởng chung của gia cầm, tăng dần qua các tuần tuổi. So sánh kết quả về sinh trưởng tích luỹ giữa các lô thí nghiệm cho thấy: Bổ sung chế phẩm pharselenzym vào khẩu phần ăn có ảnh hưởng đến sinh trưởng của gà thí nghiệm, cả gà mái và gà trống ở 2 lô thí nghiệm khối lượng gà đều cao hơn đối chứng, sự khai khác về khối lượng của gà ở 2 lô thí nghiệm so với đối chứng khá rõ rệt (với P < 0,05), nhưng so sánh giữa 2 lô thí nghiệm thì sự sai khác chưa có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Lúc 13 tuần tuổi, khối lượng trung bình của gà lô TN 1 (2176,10g) cao hợn lô ĐC (2059,15g) là 116,95g và lô TN 2 (2253,35g) cao hơn ĐC là 194,20g, tương đương 5,68 – 9,43% so với ĐC (P<0,05). Chứng tỏ chế phẩm Phar-selenzym có tác dụng: Tăng sức đề kháng và tăng khả năng sinh trưởng phát triển của gà thịt Lương Phượng.
Như vậy, gà Lương Phượng nuôi bằng thức ăn phối trộn từ nguồn nguyên liệu thức ăn của địa phương, có bổ sung chế phẩm Pharselenzym, gà có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh, tỷ lệ nuôi sống cao, tăng khả năng sinh trưởng. Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết luận của Gries, C. L. and M. L. Scott. 1972; Simensen và cs (1982) Latshaw và cs (1977).
3.3.3.2. Sinh trưởng tuyệt đối
Sinh trưởng tuyệt đối là chỉ tiêu đặc trưng cho tốc độ sinh trưởng. Nó được thể hiện bằng sự tăng lên về khối lượng trong một đơn vị thời gian giữa hai lần khảo sát.
Sinh trưởng tuyệt đối của 3 lô thí nghiệm đều tuân theo quy luật chung về sinh trưởng của gia cầm nuôi thịt, như nghiên cứu của Chamber, 1990 thời gian đạt giá trị sinh trưởng tuyệt đối cực đại có sự khác nhau giữa gà trống và gà mái. Gà mái đạt sinh trưởng tuyệt đối cực đại ở tuần 12-13. Kết quả thu được cho thấy, diễn biến quá trình sinh trưởng tuyệt đối của gà lô ĐC và lô TN1 tương đương nhau, sinh trưởng tuyệt đối của gà lô TN2 cao hơn so với lô ĐC và TN1. Gà mái thí nghiệm, sinh trưởng tuyệt đối đạt giá trị lớn nhất ở tuần 13: lô ĐC – 33,00; lô TN1 – 46,46; lô TN2 – 49,34. Gà trống TN sinh trưởng tuyệt đối đạt giá trị lớn nhất ở tuần 12-13: lô ĐC – 42,53; lô TN1 – 38,57; lô TN2 – 50,86. Sinh trưởng tuyệt đối của cả giai đoạn thí nghiệm (13 tuần tuổi), ở con mái đạt từ 19,24 (lô ĐC) < 20,80 (lô TN1) < 21,19 (lô TN2) g/con/ngày. Ở con trống đạt từ 25,24 (lô ĐC) < 26,25 (lô TN1) < 27,56 (lô TN2) g/con/ngày.
3.3.3.3. Sinh trưởng tương đối
Tốc độ sinh trưởng tương đối của 3 lô gà thí nghiệm đều giảm dần theo tuổi. Ở giai đoạn gà con 1 – 5 tuần tuổi sinh trưởng tương đối của gà giảm nhanh hơn so với giai đoạn 6 – 13 tuần tuổi. Ở tuần tuổi thứ 13, sinh trưởng tương đối của 3 lô gà thí nghiệm lần lượt là: Ở gà mái: 3,46 % – ĐC; 4,61 % – TN1; 4,82 % – TN2; Ở gà trống là: 2,71 % – ĐC; 2,95 % – TN1; 3,76 % – TN2.
Qua biểu đồ chúng tôi thấy: Sinh trưởng tương đối của gà thí nghiệm ở 1; 2 tuần tuổi là cao nhất ( lô ĐC: 18,86%; lô TN1: 18,77%; lô TN2: 18,85%), sau đó giảm dần theo các tuần tuổi phù hợp với quy luật sinh trưởng chung của gia cầm, gia cầm non sinh trưởng nhanh, sau đó giảm dần theo tuổi. Kết thúc giai đoạn sinh trưởng tương đối của gà thí nghiệm cho thấy thời gian nuôi càng kéo dài thì chỉ số này càng giảm.
3.4. Khả năng chuyển hoá thức ăn của gà thí nghiệm
Khả năng tiêu thụ thức ăn của gia cầm nói chung, của gà nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Giống, tuổi, thời tiết khí hậu, hướng sản xuất cũng như thành phần dinh dưỡng của thức ăn. Gà có khả năng sinh trưởng nhanh, sức sản xuất cao thường tiêu thụ thức ăn nhiều hơn.
Kết quả thí nghiệm cho thấy diễn biến tiêu thụ thức ăn của gà thí nghiệm theo độ tuổi xảy ra tương tự như diễn biến về tăng khối lượng tuyệt đối của mỗi lô gà thí nghiệm. Điều này phù hợp với nhu cầu thức ăn thoả mãn cho nhu cầu sinh trưởng và duy trì.
Tuy nhiên, việc bổ sung chế phẩm pharselenzym vào khẩu phần ăn đã làm tăng khả năng thu nhận thức ăn của gà, đồng thời giúp cho gà sinh trưởng nhanh hơn. Để tăng 1kg khối lượng cơ thể cả 3 lô cần: 3,06kg – ĐC; 2,95kg – TN1; 2,83kg – TN2. Theo tài liệu của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng của gà Lương Phượng từ 3,0-3,2kg. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là thấp hơn, đặc biệt ở 2 lô thí nghiệm được bổ sung chế phẩm Pharselenzym thì tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là thấp nhất (2,83kg).
3.5. Tiêu tốn năng lượng trao đổi (ME), Protein thô (CP)/kg tăng khối lượng
Tiêu tốn ME và CP cộng dồn đều tăng dần theo các tuần tuổi, điều này cũng phù hợp với quy luật phát triển chung của gà. Khối lượng cơ thể tăng theo các tuần tuổi, do đó, nhu cầu năng lượng trao đổi, protein duy trì và sinh trưởng cho cơ thể càng lớn.
3.6. Chỉ số sản xuất (PN)
Chúng tôi tiến hành theo dõi chỉ số sản xuất của đàn gà, giai đoạn từ 8 đến 13 tuần tuổi.
Kết quả thí nghiệm cho thấy chỉ số sản xuất của gà thí nghiệm ở các lô đều tăng dần qua các tuần tuổi và đạt được giá trị cao nhất ở tuần tuổi thứ 13: 74,01 (ĐC); 94,29 (TN1); 119,32 (TN2). Như vậy kết thúc thí nghiệm chỉ số sản xuất ở lô TN1 cao hơn lô ĐC 20,28%; lô TN2 cao hơn lô ĐC 45,31%.
3.7. Khả năng sản xuất thịt của gà thí nghiệm
Khả năng sản xuất thịt của gà thí nghiệm, được đánh giá qua việc mổ khảo sát gà tại thời điểm 91 ngày tuổi, dựa vào các chỉ tiêu khối lượng thân thịt, khối lượng thịt đùi, khối lượng thịt ngực và khối lượng mỡ bụng. Khả năng cho thịt là một chỉ tiêu quan trọng trong chăn nuôi gà thương phẩm. Ở tuần tuổi thứ 13 tỷ lệ thân thịt, tỷ thịt đùi, tỷ lệ thịt ngực của gà ở lô ĐC thấp hơn so với lô TN1 và lô TN2.
Như vậy, gà Lương Phượng nuôi thả vườn, sử dụng thức ăn địa phương (ngô, cám gạo, cám đậm đặc C20) có bổ sung chế phẩm pharselenzym, gà sinh trưởng và phát triển tốt, sản phẩm đầu ra đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
3.8. Sơ bộ hạch toán chi phí trực tiếp
Trong chăn nuôi gia cầm, chi phí thức ăn thường chiếm từ 70 – 80% giá thành sản phẩm. Do vậy, để mang lại hiệu quả kinh tế cao ngoài yếu tố con giống người chăn nuôi phải tính toán đến chi phí cho 1 kg tăng khối lượng thấp nhất. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và các yếu tố khác như: Giá cả thị trường, nhu cầu tiêu dùng, môi trường chăn nuôi… cũng là một trong những yếu tố góp phần làm tăng hoặc giảm giá trị của sản phẩm chăn nuôi.
Kết quả cho thấy: Gà Lương Phượng thương phẩm thịt, sau 13 tuần tuổi để tăng 1 kg khối lượng gà cần chi phí 27.995,36 đồng (lô ĐC); 26.782,29 đồng (lô TN1); 26.102,17 đồng (lô TN2). Kết quả thí nghiệm cho thấy: Gà Lương Phượng thương phẩm nuôi thả vườn  tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang bằng nguồn thức ăn tại chỗ có bổ sung chế phẩm sinh học Pharselenzym, mang lại hiệu quả kinh tế tốt cho người chăn nuôi, chất lượng thịt gà chắc nạc, thơm ngon. Kết quả này đáp ứng được mục tiêu của đề tài.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
1.Kết luận
Căn cứ kết quả thu được, học viên đã đưa ra 4 kết luận. Chúng tôi xin trích 2 kết luận 1.3 và 1.4 cũng như đề nghị của học viên:
1.3. Gà Lương Phượng thương phẩm thịt nuôi thả vườn bằng nguồn thức ăn tại chỗ có bổ sung chế phẩm pharselenzym có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Tỷ lệ nuôi sống cao (96 – 98%).
– Gà xuất chuồng (91ngày tuổi) khối lượng trung bình của gà mái là: 1785,80g (lô ĐC); 1927,80g (lô TN1); 1936,10g (lô TN2); gà trống là 2332,50g (lô ĐC); 2424,40g (lô TN1); 2543,60g (lô TN2).
– Tiêu tốn thức ăn cho 1kg khối lượng cơ thể của gà ở lô ĐC là 3,06 kg; lô TN1: 2,95 kg; lô TN2: 2,83 kg. Khả năng thu nhận thức ăn của gà khi được bổ sung chế phẩm pharselenzym trong khẩu phần là cao hơn 2,76 % (lô TN1) và 5,43 % (lô TN2) so với gà lô ĐC (không bổ sung chế phẩm).
1.4. Bổ sung chế phẩm sinh học Pharselenzym cho gà thịt Lương Phượng với liều lượng 1 g/5 kg thể trọng có tác dụng tăng sức đề kháng, tăng khả năng sinh trưởng và giảm tiêu tốn thức ăn.
2. Đề nghị
Khuyến cáo cho người chăn nuôi sử dụng chế phẩm Pharselenzym bổ sung vào khẩu phần ăn trong chăn nuôi gà thịt thả vườn.

Chia sẻ ngay:
Share on facebook
Facebook

Có thể bạn quan tâm

Scroll to Top